Dù đã được chính phủ cho phép mua xe tự do, nhưng ô tô vẫn còn nằm ngoài tầm với của đa số người dân Cuba do giá quá cao.
Sau khi bãi bỏ luật giới hạn, những người Cuba đã nhanh chóng đổ về các địa điểm bán ô tô, để rồi quay về nhà tay không, do mức chênh lệch giá lên đến 400% so với giá gốc của xe tại các thị trường khác.
Một chiếc Peugeot 206 có giá 91.000USD tại Cuba!
Ở một đại lý của Peugeot đặt tại Havana, chiếc supermini cỡ nhỏ 206 có giá lên tới 91.000 đô la Mỹ, trong khi chiếc sedan gia đình 508 bị đội lên thành 262.000 đô la Mỹ. Nhìn vào mức giá "trên trời" đó, những người ghé thăm showroom đều lắc đầu tỏ vẻ khó chịu.
Roberto Gonzales, một người lái xe cho nhà nước nhìn vào đại lý Peogeot và nói: "Tôi chỉ nhận được 600 Peso mỗi tháng (khoảng 30 đô la Mỹ). Điều đó đồng nghĩa với việc tôi không thể mua bất kỳ chiếc xe nào trong số này. Tôi sẽ chết trước khi kiếm được đủ tiền mua xe". Sau đó, anh quay trở lại chiếc Plymouth cũ kỹ từ thập niên 50 của mình.
Mức lương trung bình tại Cuba, nơi 4/5 trong tổng số lao động làm việc cho Nhà nước chỉ là 20 đô la Mỹ mỗi tháng. Một đại sứ từ châu Âu hài hước cho biết: "Tôi chỉ thấy hơi ngạc nhiên thôi. Với mức giá như thế này thì những chiếc xe cổ của Mỹ sẽ không biến mất khỏi đường phố nhanh đâu".
Dưới cuộc cải cách hai năm trước, người Cuba có thể mua bán những chiếc xe cũ với nhau, tuy nhiên họ phải xin chính phủ cấp phép mới có thể mua được xe (mới hoặc cũ) từ các công ty Nhà nước. Trước tháng 9/2011, chỉ có những chiếc xe được nhập khẩu vào Cuba trước cuộc Cách mạng năm 1959 mới có thể được tự do mua bán. Đó là lý do vì sao trên những đường phố ở đất nước này gần như vẫn chỉ có những chiếc xe cổ từ trước năm 1950. Đa số chúng là xe Mỹ, số còn lại được sản xuất tại Liên xô - một trong những đồng minh lớn nhất của Cuba trước đây.
Những chiếc xe cổ trên đường phố Cuba
Những chiếc xe mới hơn phần lớn thuộc sở hữu của Chính phủ và chỉ được bán với mức giá hợp lý cho một số người đặc biệt như các đại sứ, hay các bác sĩ và giáo viên đã từng phục vụ ngoài nước.
Hàng trăm chiếc xe cũ được bán tại Havana với giá từ 25.000 đô la Mỹ trở lên đã khiến cho sự khó chịu của những người dân trở thành cơn bực tức. Cesar Perez - một hoạ sĩ đã nhìn vào một chiếc Renault đời 2005 được bán với giá tương đương 25.000 đô la Mỹ. Sau khi so sánh với mức giá chỉ 3.000 đô la Mỹ cho một model y hệt ở những nước khác, anh đã không giấu nổi vẻ bức xúc: "Mức giá này cho thấy sự thiếu tôn trọng với những người Cuba. Những gì mà chúng tôi có ở đây chỉ là một đống 'sắt vụn'. Giờ tôi chẳng còn mơ về việc mua một chiếc xe cho gia đình nữa!".
Sự kiểm soát của Chính phủ
Nhà nước Cuba vẫn đang độc quyền về giá bán xe. Chỉ có khoảng 650.000 chiếc ô tô ở đất nước này và một nửa thuộc sở hữu của Chính phủ.
Lệnh cấm nhập khẩu xe hơi, cùng với việc phải xin Nhà nước cấp phép mới được mua xe đã khiến 9/10 gia đình tại Cuba không có nổi một phương tiện cơ giới như ô tô hay xe máy, và phải phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống giao thông công cộng xuống cấp.
Mức giá mà người Cuba mua bán xe với nhau cũng tương tự như giá của Nhà nước, do nguồn cung có giới hạn. Theo chính phủ, mức chênh lệch sẽ được đưa vào một "quỹ đặc biệt" nhằm nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng. Những nhà ngoại giao, các công ty nước ngoài cùng với một số người Cuba đặc biệt vẫn phải xin Nhà nước cấp phép mới có thể nhập khẩu xe mà không phải đóng thêm mức chênh lệch khổng lồ.
Những nỗ lực cải cách
Việc "tự do hoá" mua bán xe chỉ là 1 trong số 300 cải cách được đưa ra bởi Chủ tịch Raul Castro, sau khi ông thay thế người anh Fidel Castro vào năm 2008. Nó đã được thông qua vào năm 2011 tại Đại hội của Đảng Cộng sản - Đảng chính trị duy nhất của Cuba.
"Mức giá này rõ ràng nằm ngoài tầm với của phần lớn người Cuba, kể cả khi họ nhận được sự hỗ trợ từ những người thân ở nước ngoài. Về bản chất, chúng đại diện cho một loại thuế hàng xa xỉ, được đưa ra bởi Chính phủ và đánh vào những người mới giàu lên tại Cuba". Ông John Kirks - một trong những chuyên gia nghiên cứu về Mỹ-Latinh tại Canada, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách phát hành tại Cuba - cho biết qua e-mail.
Tại Cuba vẫn còn hàng trăm ngàn hộ kinh doanh nhỏ, cùng với hàng ngàn các trang trại, công ty xây dựng, dịch vụ vận chuyển... Trên lý thuyết, những thành phần kinh tế trên sẽ được hưởng lợi từ lệnh "tự do hoá" việc mua bán xe. Họ cần tới xe ô tô, nhưng mức giá quá cao sẽ khiến họ gặp khó khăn và buộc phải cắt khoản chi dành cho việc kinh doanh, khiến việc phát triển bị chậm lại!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét